- A THỊ HUYỆT 阿是穴
Còn gọi là Thiên ứng huyệt, Bất định huyệt [Thiên kim yếu phương]. Huyệt không thuộc các đường kinh lạc chỉ dựa vào điểm đau. Lấy điểm đau nhất làm mốc châm cứu. Còn được gọi là phương pháp đau đâu châm đó.
- ÁC HẠCH 恶核
Tức là hạch nổi trong da thịt, xuất hiện các triệu chứng: Hạch nổi như hạt đậu hoặc hạt mơ, hạt mận, ấn vào thì di động gây đau nhức, người phát sốt, sợ lạnh. Phần lớn do phong nhiệt độc tà kích bác trong khí huyết, đồng thời phong hàn thừa dịp xâm nhập vào gây ra bệnh.
- ÁC HUYẾT 恶血
Còn gọi là bại huyết. Loại huyết chảy ngoài kinh mạch, thuộc loại ứ huyết, ứ đọng ở thớ thịt thành hoại huyết.
- ÁC LỘ 恶露
Hiện tượng máu dơ, máu xấu (máu hôi) và nhau thai bài tiết ra sau khi sanh, thường sau khi sanh máu hôi bài tiết ra khoảng 2 -3 tuần mới hết. Nếu quá 3 tuần máu hôi ra không hết, hoặc bài tiết rất ít, là hiện tượng bệnh lý.
- ÁC LỘ BẤT HẠ 恶露不下
Phần lớn sau khi sanh khoảng 2-3 tuần máu hôi vẫn không ra, hay ra ít. Nguyên nhân do khí trệ hoặc huyết ứ gây ra.
- ÁC LỘ BẤT TẬN 恶露不尽
Phụ nữ sau khi sanh từ 3 tuần trở lên từ trong âm đạo máu hôi vẫn còn ra rỉ rả không dứt. Nguyên nhân do sau khi sanh khí hư, mạch Xung, mạch Nhâm không bền chặt; hoặc do máu xấu ứ trở ở hai mạch Xung Nhâm, hay do huyết không hành theo kinh gây ra.
- ÁC NHỤC 恶肉
Tên bệnh (bệnh danh) [Trửu hậu phương] Chỉ bên trong cơ thể đột nhiên nổi cục thịt như hạt đậu đỏ, dài như giọt sữa bò, như mào gà. Nên dùng ‘Lậu lô thang’, phối hợp với phương ngoài như ‘Thăng ma cao’ bôi vào. Bao gồm cả những mụn thịt, vết sẹo và mụn cơm.
- ÁC SANG 恶疮
Tên bệnh. Tức các chứng ghẻ lở, có các triệu chứng như sưng tấy, đau ngứa, sau đó lở loét chảy nước vàng không ngớt, để lâu chữa không khỏi thì gọi chung là Ác sang. Nguyên nhân là do phong nhiệt và thấp độc hợp lại thành bệnh.
- ÁC SẮC 恶色
Sự thay đổi của sắc mặt do bệnh tật sinh ra. Những dấu hiệu biểu hiện trên khuôn mặt thường xạm đen, khô khan, không tươi. Đó là những dấu hiệu cho thấy bệnh tình phần nhiều nặng, tiên lượng không tốt.
- ÁC TÂM 恶心
Chứng bệnh. Chứng muốn ói không ói được. Nguyên nhân thường do Vị hư hoặc tà khí phạm Vị gây ra. Còn gọi là ‘Ố tâm’.
- ÁC TRỞ 恶阻
Tức chứng Nhâm thần ố trở (nôn ọe khi có thai). Còn gọi là ‘Ố trở’.
- ÁCH NGHỊCH 呃逆
Tên gọi chứng Nấc cục. Từ đời Tống trở về trước gọi là Uế (哕). Đời Kim, Nguyên và đầu đời Minh gọi là Khái nghịch (咳逆). Cuối đời nhà Minh trở về sau mới gọi là Ách nghịch (呃逆), Ngật nghịch (吃逆). Chỉ Vị khí nghịch xung bốc lên trên, phát ra thành tiếng kêu. Nguyên nhân do Tỳ Vị hư hàn gây ra.
- ÁI HỦ 嗳腐
Hiện tượng ợ hôi, ợ chua. Mùi của thức ăn từ trong Vị ợ lên. Thường gặp ở trường hợp rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân thường do Tỳ Vị hư nhược, hoặc ăn uống không điều độ, đồ ăn thức uống tích lại ở trong dạ dày không tiêu hóa được phát bệnh.
- ÁI KHÍ 嗳气
Tức ợ hơi. Cảm giác thấy luồng hơi từ trong dạ dày bốc ngược lên và phát thành tiếng. Nguyên nhân do Tỳ Vị hư nhược hoặc Vị có đàm, hỏa, thực trệ, làm cho Vị mất chức năng hòa giáng sinh ra. Cũng có khi do Phế khí thượng nghịch sinh ra ợ hơi. Nhưng phần lớn là do Can Vị bất hòa hoặc ăn quá no, Vị khí bị nghẽn trở gây nên.
- ÁM SẢN 暗产
Mới thụ thai trong vòng một tháng thì bị sẩy thai. Nguyên nhân phần nhiều do Can khí uất kết, buồn giận hoặc do phòng sự quá độ gây nên.
- AN MIÊN 安眠 1, 2
Tên gọi của huyệt, vị trí nằm ngoài đường kinh. [Thường dụng tân y liệu pháp thủ sách]. An miên 1 là huyệt nằm giữa 2 huyệt Ế phong và Ế minh; An miên 2 là huyệt nằm giữa 2 huyệt Phong trì và Ế minh. Chủ trị các chứng mất ngủ, chóng mặt, hoa mắt, điên giản, thần kinh. Châm thẳng 1~1,5 thốn.
- AN TÀ 安邪
Tên gọi khác của huyệt Bộc tham. [Châm cứu giáp ất kinh].
- AN THAI 安胎
Xuất xứ: Kinh hiệu sản bảo. Phương pháp phòng ngừa và chữa các trường hợp có thai, thai động không yên hoặc người vốn có tiền sử dọa sanh non, sẩy thai. Dựa trên nguyên tắc: Nếu do mẹ có bệnh làm ảnh hưởng đến thai nhi, khi chữa bệnh của mẹ thì thai tự an; Nếu do thai khí không cố (bền chặt), làm cho mẹ bị bệnh, khi an thai bệnh mẹ sẽ khỏi.
- AN THẦN 安神
Phương pháp chữa chứng thần chí không được yên tĩnh, tim đập nhanh, hồi hộp sinh ra chứng mất ngủ. Thường phân làm 2 loại Trọng trấn an thần và Dưỡng Tâm an thần.
- AN TRUNG 安中
Trung là chỉ trung khí, tức khí của Tỳ Vị. Phương pháp hòa Vị, điều hòa Can Vị là dùng thuốc để điều chỉnh khí của Tỳ Vị trở lại trạng thái bình thường, gọi là an trung.
- ÁN CHẨN 按疹
Tức xúc chẩn.
- ÁN HUNG PHÚC 按胸腹
Một trong những nội dung của thiết chẩn (còn gọi là xúc chẩn). Dùng tay ấn vào vùng ngực, bụng của bệnh nhân để tìm và xác định vị trí đau, xem phạm vi lớn hay nhỏ, lạnh hay nóng, cứng hay mềm, có sưng hay không sưng. Ấn vào đau (cự án) hay không đau (thiện án). Giúp cho người thầy thuốc hiểu biết rõ bệnh trạng của bệnh nhân.
- ÁN KIỂU 按蹻
Tên gọi xưa của Án ma. [Thiên ‘Dị pháp phương nghi luận’ (Tố vấn) ]. Những thủ pháp bấm nắn, xoa bóp trong phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.
- ÁN MA 按摩
➊ Còn gọi là Thôi nã. Phương pháp vận dụng các thủ thuật xoa bóp tại bộ vị nhất định trên cơ thể giúp duy trì các vận động và phòng ngừa bệnh tật ở chi thể. ➋ Một trong 8 cách chỉnh nắn xương bao gồm án (ấn nắn) pháp và ma (chà xát) pháp. Có tác dụng thư cân tán ứ và tiêu thũng.
- ÁN MA KHOA 按摩科
➊ Là 1 trong 4 khoa y học đời Đường, Trung quốc, chuyên dạy phương pháp bấm nắn, xoa bóp. ➋ Là một trong mười ba khoa y học đời Minh, Trung quốc, chuyên dạy kỹ thuật thôi nã (xoa bóp) áp dụng chữa cho trẻ em bị bệnh.
- ÁN MẠCH 按脉
Tức là bắt mạch hay còn gọi là Thiết mạch. Dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, và áp út của người thầy thuốc để lên trên cổ tay (Phần xương quay) của bệnh nhân.
- ÁN PHÁP 按法
Phương pháp xoa bóp. Dùng các ngón tay, lòng bàn tay hoặc khi nắm lại dùng các khớp nối của ngón ấn vào các huyệt vị trên cơ thể. Có tác dụng hoạt huyết chỉ thống, khai thông bế tắc.
- ÁN QUÝ 按季
Tức cư kinh.
- ANH 婴
Tức bướu cổ. Nguyên nhân gây ra bệnh có liên quan đến thủy thổ, hoặc do lo nghĩ buồn phiền, Can uất không thư thái, Tỳ mất chức năng kiện vận, làm cho khí trệ đàm tụ lại thành. Tương đương với bướu tuyến giáp của YHHĐ.
- ANH ĐÀO TRĨ 樱桃痔
Hiện tượng búi trĩ mọc giống như hình hoa anh đào. Xem thêm Tức nhục trĩ.
- ÁP 胛
Chỉ vùng bả vai.
- ÁP ĐIỂM 压垫
Tình trạng gãy xương sau khi được chỉnh sửa, dùng các dụng cụ để băng bó ở bên ngoài nhằm cố định chỗ gãy, không cho chỗ gãy bị sai lệch. Các dụng cụ được dùng gồm các thanh tre hoặc ván mỏng, tùy theo chỗ xương gãy có độ dài ngắn khác nhau rồi cặp vào chỗ gãy, dùng giấy, bông, hoặc vải để quấn quanh chỗ gãy nên gọi là áp điểm. Thí dụ như Bình áp, Tháp hình áp, Thê áp, Phân cốt áp.
- ÁP ĐƯỜNG 鸭溏
Hiện tượng đi ỉa ra phân như phân vịt, thuộc hàn tả. Chất đại tiện bài tiết ra có nước lẫn phân xanh sắc sạm như phân vịt, tiểu tiện trong, mạch trầm trì. Loại tiêu chảy này thuộc về hàn thấp. Do Tỳ khí hư, Đại trường nhiễm lạnh. Nếu bài tiết ra toàn nước trong có vẩn cặn, mùi nồng nặc thì gọi là đường tiết hoặc tiết lợi. Điều trị bằng bài ‘Hương sa lục quân tử thang gia giảm’.
- ÁP NHA 呷呀
Tên gọi khác của chứng háo. Có chứng trạng người bệnh lên cơn hen phát ra có tiếng khò khè trong cổ.
- ÁP QUÁI 鸭怪
Tình trạng ấu trùng có đuôi của huyết hấp trùng có trong gia cầm xâm nhập vào da gây ra bệnh. Vùng da bệnh nổi mẩn to như hạt đậu xanh, hoặc đậu nành, chung quanh có quầng đỏ, phát tán rộng, gây ngứa. Đây cũng là đặc điểm của chứng bệnh do ấu trùng có đuôi của huyết hấp trùng có trong gia cầm gây ra.
- ÁP THẤU 呷嗽
Tên gọi khác của chứng háo có chứng trạng người bệnh khi ho có tiếng khò khè trong cổ.
- ÂM 喑
➊ Chỉ âm điệu như Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. ➋ Chỉ một trong phương pháp văn chẩn, tức là nghe âm thanh. Bao gồm âm thanh các phương diện như tiếng nói, hơi thở, ho hen, ói mửa, nấc cục, ợ hơi và tiếng khóc của bệnh nhân, để phán đoán hàn nhiệt, hư thực của tật bệnh. Xem mục Tứ chẩn quyết vi.
- ÂM 阴
Từ chỉ sự vật có tính chất đối xứng với Dương. Thường được dùng trong Y học cổ truyền. Chỉ các sự vật có tính trầm tĩnh, nội tại, hạ giáng, hàn lãnh, u ám. Hay có các tính chất như ức chế, suy giảm đều thuộc âm. Là thuật ngữ giải thích các hiện tượng sinh lý trong cơ thể người, được Y học cổ truyền ứng dụng rộng rãi. Nó giúp giải thích các hiện tượng bệnh lý, chỉ đạo chẩn đoán và điều trị tật bệnh.
- ÂM Á 瘖哑
Tức là Mất tiếng.
- ÂM ÁN 阴案
Tập tài liệu của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ghi lại 12 bệnh án do điều trị sai lầm dẫn đến tử vong. Trong đó có phân tích lý do đưa đến tử vong và từ đó rút ra kinh nghiệm.
- ÂM BÁC DƯƠNG BIỆT 阴拔阳别
Hiện tượng mạch ở bộ xích đập mạnh và hoạt hơn mạch bộ thốn gọi là âm bác dương biệt, thường gặp ở người có thai.
- ÂM BÀI 阴俳
Chỉ loại bệnh vừa mất tiếng, vừa không đi được. Nguyên nhân do Thận hư, bên trên không đưa tinh lên trên Phế được, thành bệnh âm (mất tiếng). Bên dưới không tư dưỡng được gân, tay chân co lại, bước đi không lanh lợi. Trị nên tư Thận bồi bản, có thể chọn dùng ‘Lục vị địa hoàng thang’, ‘Hổ tiềm hoàn gia giảm’.
- ÂM BAN 阴班
Chứng ban thuộc hư hàn. Nguyên nhân phần nhiều do thể chất suy nhược, hàn tà phục bên trong hoặc dùng quá nhiều các thuốc mát lạnh, làm cho âm hàn thịnh ở bên trong phát bệnh. Triệu chứng: vùng ngực bụng nổi nốt ban, màu đỏ nhạt, lờ mờ không rõ, kèm theo lạnh tay chân, ỉa chảy trong loãng, mạch hư đại vô lực hoặc trầm vi nhược.
- ÂM BAO ĐỘC 阴包毒
Tức nhọt độc mọc ở đùi. Xem chi tiết ở mục Đại thoái ung.
- ÂM BĂNG 阴崩
Tên bệnh. Âm trung băng hạ của phụ nữ màu trắng, xưa gọi là âm băng. Nguyên nhân do cảm phải hàn tà gây ra. Chữa nên dùng Cố kinh hoàn.
- ÂM BẤT BẢO DƯƠNG 阴不抱阳
Do phần âm có bệnh làm cho dương không còn chỗ nương dựa, phát sinh bệnh.
- ÂM BẤT TÚC 阴不足
➊ Tức là âm hư. Xem chi tiết ở mục âm hư. ➋ Mạch tượng của Thận âm khuy tổn. Thường mạch ở bộ xích đi nhược.
- ÂM BỆNH 阴病
➊ Các bệnh lý của 3 kinh âm. ➋ Là từ gọi chung để chỉ các chứng hàn, chứng hư.
- ÂM BỆNH TRỊ DƯƠNG 阴病治阳
Phương pháp vận dụng học thuyết âm dương vào điều trị. ➊ Trạng thái âm hàn thịnh làm tổn thương dương khí. Khi điều trị cần phù trợ dương khí. ➋ Các chứng trạng biểu lộ tật bệnh ở âm kinh, khi chữa trị thì châm các huyệt vị ở dương kinh.
- ÂM BÌNH DƯƠNG BÍ 阴平阳秘
Chỉ trạng thái âm khí và dương khí cả 2 cùng điều tiết, gìn giữ lẫn nhau để duy trì sự thăng bằng tương đối. Đây là điều kiện cơ bản của các hoạt động sinh lý giúp cho cơ thể luôn được mạnh khỏe.
- ÂM CÂN 阴筋
Là dây chằng cao hoàn (ngoại Thận).
- ÂM CHỨNG 阴证
Một nội dung trong bát cương, bao gồm các chứng thuộc lý, hư, hàn. Với các biểu hiện như sắc mặt trắng xanh, nằm co, tay chân lạnh, thích yên tĩnh, ít nói, tiếng nói nhỏ, hơi thở yếu, hụt hơi, tinh thần mỏi mệt ăn uống giảm sút, miệng nhạt nhẽo vô vị, đại tiện phân lỏng, tiểu trong dài, bụng đau thích được xoa nắn, lưỡi bệu nhợt, rêu trơn nhuận, mạch trầm hoãn vô lực.
- ÂM CHỨNG PHÁT BAN 阴证发斑
Tức Âm ban.
- ÂM CHỨNG TỢ DƯƠNG 阴证似阳
Tình trạng âm chứng giống như dương chứng. Các tật bệnh thuộc âm chứng khi chuyển biến đến giai đoạn nghiêm trọng thường kèm có xuất hiện các giả tượng. Tức là bệnh vốn thuộc âm chứng nhưng các biểu hiện trên lâm sàng thuộc dương chứng.
- ÂM DỊCH 阴液
Bao gồm các thành phần trong cơ thể như Tinh, Huyết, Tân, Dịch, đều thuộc âm vì vậy gọi chung là âm dịch.
- ÂM DUY MẠCH 阴维脉
Thuộc kỳ kinh bát mạch, bắt đầu từ phía trên mắt cá chân trong đi men theo phía trong chi dưới qua vùng bụng, vùng ngực và yết hầu đến phía sau cổ thì hết. Khi kinh này bị bệnh thì xuất hiện triệu chứng Tâm thống.
- ÂM DƯƠNG 阴阳
Tư tưởng triết học cổ đại của Đông phương. Là nhận thức của người xưa đối với các sự vật, tính chất trong tự nhiên giới. Các nhà triết học đời xưa cho rằng âm dương là 2 mặt đối lập, tồn tại trong bất cứ sự vật nào. Nó là nguồn gốc phát triển biến hóa của tất cả các vật chất, nó luôn đối lập nhưng thống nhất. Căn cứ vào thuộc tính của sự vật nói thì những cái gì từ bên ngoài, bên trên, công năng, hưng phấn, vượng thịnh, cường tráng đều thuộc dương; ngược lại cái từ bên trong, bên dưới, vật chất, ức chế, suy yếu, đều thuộc âm. Các nhà y học vận dụng lý luận này vào để giải thích các hiện tượng sinh lý và quy luật biến hóa của bệnh lý đồng thời chỉ đạo việc chẩn đoán và điều trị bệnh tật.
- ÂM DƯƠNG CHUYỂN HÓA 阴阳转化
Trong điều kiện nhất định hai mặt của âm dương có thể chuyển hóa lẫn nhau. Về mặt bệnh lý, âm chứng có thể chuyển hóa thành dương chứng, dương chứng có thể chuyển hóa thành âm chứng. Về mặt sinh lý, hàn cực thì sinh nhiệt, nhiệt cực thì sinh hàn.
- ÂM DƯƠNG GIAO 阴阳交
Tình trạng nhiệt của dương tà lấn vào phần âm, giao kết không giải. Triệu chứng: sau khi mồ hôi ra được sốt vẫn chưa giảm, nói năng lung tung, không muốn ăn, mạch táo tật. Đây là chứng nguy hiểm.
- ÂM DƯƠNG HỖ CĂN 阴阳互根
Quy luật cùng dựa vào nhau để tồn tại và phát triển, là tiền đề trong đó hai mặt âm dương đều lấy sự tồn tại của đối phương để tự mình tồn tại. Vận dụng quan điểm của học thuyết này để chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa tạng với phủ, khí với huyết, công năng với vật chất về mặt sinh lý hoặc bệnh lý.
- ÂM DƯƠNG LƯỠNG HƯ 阴阳两虚
Hiện tượng bệnh lý biểu hiện các triệu chứng của âm hư và dương hư. Thường gặp trong các tật bệnh phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng.
- ÂM DƯƠNG LY QUYẾT 阴阳离決
Tức mối quan hệ của âm dương bị phá vỡ hoàn toàn. Là giai đoạn quan trọng nhất của sự tách rời các mối quan hệ trong âm dương. Ở bệnh lý là các biểu hiện của sự chết chóc.
- ÂM DƯƠNG QUAI LỆ 阴阳乖戾
Mối quan hệ bình thường của âm dương bị rối loạn. Khi tật bệnh phát sinh đó là kết quả của sự rối loạn mối quan hệ hỗ tương nhịp nhàng đó.
- ÂM DƯƠNG THẮNG PHỤC 阴阳胜復
Hai mặt cang thịnh và suy thoái của âm dương cùng thay thế lẫn nhau. Hiện tượng này dùng để giải thích mọi thay đổi của bệnh lý cũng như của khí hậu.
- ÂM DƯƠNG THẤT ĐIỀU 阴阳失调
Từ khái quát của cơ chế gây bệnh. Chỉ sự mất quân bình âm dương trong cơ thể dẫn tới hiện tượng bệnh lý do âm dương thiên thắng hoặc thiên suy sinh ra.
- ÂM DƯƠNG TIÊU TRƯỞNG 阴阳消长
Một trong những quy luật của âm dương. Tiêu trưởng là nói đến hiện tượng đối lập nhưng thống nhất của 2 phía âm dương. Phía nào cũng có tác dụng khắc chế phía bên kia để duy trì sự cân bằng trong âm dương. Nếu 1 bên thái quá thì sẽ dẫn đến bên kia bất cập.
- ÂM DƯƠNG TỊNH KIỆT 阴阳净竭
➊ Âm chỉ phần lý, dương chỉ phần biểu. Cả 2 phần biểu lý đều suy kiệt. ➋ Âm tức âm dịch. Lượng âm dịch bị mất, dương tức phần dương khí bị tổn thương. Cả phần khí và chất dịch trong cơ thể đều suy.
- ÂM DƯƠNG TỰ HÒA 阴阳自和
Sự điều chỉnh các rối loạn của âm dương trong cơ thể dẫn tới bệnh tật. Khi âm dương đã được hồi phục bình thường thì cũng đồng nghĩa với sự chuyển hóa tốt hoặc khỏi hẳn của bệnh tật thông qua việc điều trị.
- ÂM DẠNG 阴痒
Hiện tượng vùng bên ngoài âm hộ ngứa ngáy. Nguyên nhân do vệ sinh không sạch, hoặc do thấp nhiệt uất kết, dồn xuống dưới gây ra. Cũng có thể do âm hư huyết táo gây ra.
- ÂM ĐẦU UNG 阴头痈
Tức Quy đầu ung. Quy đầu nổi nhọt hoặc sưng tím gây đau nhức.
- ÂM ĐỈNH 阴挺
Là chứng sa tử cung. Nguyên nhân do khí hư hạ hãm hoặc Thận khí bất túc gây nên. Còn gọi là Âm già.
- ÂM ĐỘC 阴毒
Tên bệnh, phát bệnh từ nội tạng, nọc độc ngấm sâu vào trong cơ thể, phần nhiều xâm phạm tới gân xương.
- ÂM ĐỒI 阴颓
Còn gọi là Âm già. Xem chi tiết ở mục Âm già.
- ÂM GIÀ 阴茄
Còn gọi là Âm đỉnh, Âm đồi, Âm khuẩn, Âm thoát, Âm trĩ. Là chứng sa tử cung. Vì tử cung lòi ra một cục thịt giống như quả cà, nên đặt tên là Âm già (già: quả cà). Nguyên nhân do khí hư hạ hãm không thu nhiếp được, hoặc khi sinh nở rặn quá sức làm tổn thương bào lạc gây nên; Cũng có nguyên nhân do thấp nhiệt dồn xuống dưới gây bệnh.
- ÂM GIẢN 阴痫
➊ Chỉ chứng giản (Điên cuồng) thuộc hư hàn, thường hay tái phát. Nguyên nhân do thể chất suy nhược, hoặc dùng lầm phép công hạ nhiều quá, làm tổn thương nguyên khí phát sinh bệnh. Các triệu chứng xuất hiện là khi lên cơn cơ thể lạnh, không kêu khóc, tay chân cứng đờ, mạch thường đi trầm. ➋ Chỉ chứng mạn kinh phong ở trẻ em.
- ÂM HÃN 阴汗
➊ Mồ hôi lạnh, tức dương suy âm thịnh sinh ra chứng đổ mồ hôi. ➋ Mồ hôi ở vùng sinh dục và xung quanh.
- ÂM HÀNH 阴茎
Bộ phận sinh dục của đàn ông.
- ÂM HOÀNG 阴黄
Một trong các chứng bệnh vàng da. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ dương bất chấn, hàn thấp uất lại ở bên trong hoặc do ăn uống quá nhiều chất mát lạnh gây ra. Cũng có thể chuyển từ thể dương hoàng lâu ngày sang thể âm hoàng. Triệu chứng xuất hiện là mắt vàng, da vàng, màu sắc tối không tươi, đồng thời kèm có tinh thần mỏi mệt, yếu sức, đau lâm râm vùng hông sườn, bụng trướng, ăn uống kém, tiểu ngắn, đại tiện lỏng nhão, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi nhờn, mạch trầm tế trì.
- ÂM HỎA 阴火
Do ăn uống, nhọc mệt quá độ, vui, buồn, giận dữ, suy nghĩ quá độ phát sinh ra hỏa. Bệnh phát ở hạ tiêu, thuộc Tâm hỏa.
- ÂM HOÀ SÁN 阴狐疝
Còn gọi là Hồ sán. Triệu chứng: âm nang lúc lớn lúc nhỏ, bụng trướng gây đau. Phần nhiều do chức năng sơ tiết của Can khí bị uất gây ra.
- ÂM HỘ 阴户
Còn gọi là sản môn, tức là miệng âm đạo.
- ÂM HỘ THŨNG THỐNG 阴户肿痛
Vùng âm hộ của phụ nữ sưng gây đau, kèm có nặng trằn, vùng bụng không khoan khoái hoặc tiểu tiện gắt buốt, hoặc đới hạ ra rỉ rả. Nguyên nhân do Can uất khí trệ phạm Tỳ, thấp nhiệt hạ chú gây ra bệnh.
- ÂM HUYẾT, DƯƠNG HUYẾT 阴血阳血
Chứng chân răng chảy máu trong ôn bệnh học. Bệnh ôn nhiệt rất dễ hun đốt Thận âm và Vị dịch. Âm huyết ở đây chỉ huyết của Thiếu âm, dương huyết ở đây chỉ huyết của Dương minh. Phân biệt màu sắc của dương huyết và âm huyết, giúp tiên lượng bệnh nặng nhẹ hay lành dữ.
- ÂM HƯ 阴虚
Chứng âm dịch thiếu kém, tân huyết hao hụt. Thường xuất hiện các chứng sốt nhẹ, lòng bàn tay bàn chân nóng, sốt về chiều, người ốm, mồ hôi trộm, môi đỏ, miệng khô, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, ít, chất lưỡi đỏ nhạt, ít rêu hoặc không có rêu, mạch tế sác vô lực.
- ÂM HƯ DƯƠNG CANG 阴虚阳亢
Bệnh lý, do phần tinh huyết và tân dịch khuy tổn, làm cho sự điều hòa của âm dương bị rối loạn. Dương khí không còn chỗ dựa cho nên bốc lên phát sinh ra bệnh. Khi dương đã vượng lên thì lại làm cho âm dịch càng suy thêm.
- ÂM HƯ DƯƠNG PHÙ 阴虚阳浮
Bệnh lý biến hóa do chân âm bất túc, tân huyết thiếu kém đến nỗi dương khí không có chỗ dựa bốc lên trên. Biểu hiện là chóng mặt hoa mắt, mặt, mắt đỏ, miệng khô, đau họng, đau răng.
- ÂM HƯ ĐẠO HÃN 阴虚盗汗
Mồ hôi tự chảy ra khi ngủ. Nguyên nhân do âm hư. Thường kèm có phiền nhiệt, miệng khô, người gầy ốm, mệt mỏi, mạch tế sác.
- ÂM HƯ ĐẦU THỐNG 阴虚头痛
Chứng đau đầu do âm hư hỏa động gây ra. Các triệu chứng đau đầu kèm có tâm phiền nội nhiệt, mặt đỏ, mất ngủ, lưỡi đỏ, mạch tế sác.
- ÂM HƯ HẦU TIỂN 阴虚喉癣
Chứng bệnh do Thận âm hư tổn, hư hỏa bốc lên làm cho Phế âm bị tổn thương. Có các triệu chứng niêm mạc vùng họng lở loét, màu sắc sạm tối. Nếu để lâu sẽ càng loét hơn, kèm theo đau đớn, khó ăn uống. Người bệnh còn biểu hiện các triệu chứng âm hư nội nhiệt, về chiều phát sốt, ra mồ hôi và gầy mòn. Chứng âm hư họng lở loét thường gặp ở bệnh nhân lao phổi.
- ÂM HƯ HẦU TÝ 阴虚喉痹
Do âm hư, hư hỏa bốc lên trên gây viêm, sinh ra các chứng ở hầu họng. Chứng thấy cổ họng không khoan khoái như: đau, khô ngứa, nóng rát, có cảm giác như có dị vật.
- ÂM HƯ HỎA VƯỢNG 阴虚火旺
Bệnh lý, do phần âm dịch trong cơ thể suy kiệt dẫn đến hư hỏa thịnh.
- ÂM HƯ KHÁI THẤU 阴虚咳嗽
Do âm hư, tân dịch hao hụt, Phế âm bất túc, Phế khí thượng nghịch sinh ra ho. Các triệu chứng biểu hiện là ho khan, ít đờm hoặc không đờm, hay trong đờm có lẫn máu, họng khô miệng ráo, người gầy ốm, tinh thần mệt mỏi yếu sức, ăn uống giảm sút, về chiều sốt cơn, tâm phiền, mất ngủ, mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, rêu ít khô, mạch tế sác.
- ÂM HƯ NUY 阴虚痿
Do bệnh lâu hoặc do dâm dục quá độ, dẫn đến các chứng Can Thận bất túc, âm hư hỏa vượng làm tổn thương gân mạch sinh ra chứng nuy. Chứng thường thấy là chân gối mềm yếu, mất sức, đi đứng khó khăn, không thể đứng lâu. Trong 2 chân có cảm giác như có luồng khí nóng bốc lên, chóng mặt, hoa mắt, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
- ÂM HƯ PHÁT NHIỆT 阴虚发热
Chỉ âm dịch trong cơ thể tổn hao quá độ xuất hiện các hiện tượng nóng bên trong. Chủ yếu biểu hiện là sốt cơn, sốt về đêm, đồng thời có mồ hôi trộm, miệng khô khát, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
- ÂM HƯ PHẾ TÁO 阴虚肺燥
Do âm hư nội nhiệt hun đốt Phế âm sinh ra các chứng Phế táo. Triệu chứng xuất hiện là ho khan không đàm, hoặc trong đàm có lẫn máu, họng đau, tắt tiếng, lưỡi đỏ, dầy, ít rêu, mạch tế sác.
- ÂM HƯ SUYỄN 阴虚喘
Chứng khí suyễn do âm hư dương phù gây ra. Phần nhiều do âm khí khuy tổn hoặc Thận âm suy hư, dương khí không còn chỗ dựa, xông bốc lên thanh đạo gây ra bệnh. Triệu chứng: khi lên cơn suyễn có luồng khí nóng từ dưới rốn bốc lên. Kèm có sốt cơn, về chiều hâm hấp sốt, mồ hôi trộm.
- ÂM HƯ TẮC NỘI NHIỆT 阴虚则内热
Chỉ âm dịch tiêu hao quá độ sinh ra các triệu chứng nóng sốt ở bên trong.
- ÂM HƯ THẤT NẠP 阴虚失纳
Chứng huyết hư không còn khả năng khống chế. (Âm hư: Huyết hư; Thất nạp: Mất khả năng thu nạp hoặc không chế).
- ÂM HƯ TRIỀU NHIỆT 阴虚朝热
Do âm dịch trong cơ thể không đủ (bất túc), phát sinh mồ hôi trộm, sốt về chiều.
- ÂM KẾT 阴结
Chứng táo bón, đại tiện bí do Tỳ dương hư, mất chức năng truyền tống, hoặc tinh huyết khuy hao làm cho Đại trường khô ráo phát bệnh. Biểu hiện lâm sàng: táo bón, miệng môi lạt lẽo, tiểu trong dài, rêu lưỡi trắng mỏng.
- ÂM KIỆT DƯƠNG THOÁT 阴竭阳脱
Tình trạng các chất trong cơ thể khô kiệt, làm cho hoạt động cũng theo đó giảm sút. Như trong trường hợp mất nhiều máu thì các hoạt động trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí bị chết.
- ÂM KIỂU MẠCH 阴蹺脉
Một trong kỳ kinh bát mạch, bắt đầu từ bên cạnh mắt cá chân trong, men theo mắt cá chân trong đi lên, qua phía trong chi dưới, qua vùng tiền âm, qua bụng và ngực, qua cổ đến hai bên cạnh mũi và kết thúc ở vùng mắt. Khi đường mạch này mắc bệnh thì chứng trạng chủ yếu là vùng cơ bắp phía ngoài thân thể bị nhão nhưng cơ bắp bên trong lại co rút, đau bụng và hay ngủ.
- ÂM KINH 阴经
Là những đường kinh âm đi trong mạch, bao gồm 3 kinh âm ở tay, 3 kinh âm ở chân, Nhâm mạch, Xung mạch, Âm duy mạch, và Âm kiểu mạch.
- ÂM KÍNH 阴痉
Một loại bệnh kính (co giật). Chứng co giật kèm có tay chân lạnh quíu.
- ÂM KHÍ 阴气
Khái niệm cơ bản của Y học cổ truyền, đối lập với dương khí. Nếu nói theo hình thái và cơ năng thì âm khí chỉ về hình thái; Nếu nói theo các hoạt động sinh lý và sự thay đổi của bệnh lý trong cơ thể người thì những cái gì đi ở bên trong, hướng xuống dưới, có tính chất ức chế, yếu ớt, nặng và đục… đều thuộc âm khí.
- ÂM KHIẾU 阴窍
Là lỗ tiểu và giang môn.
- ÂM KHUẨN 阴菌
Còn gọi là Âm đỉnh. Tức là chứng Sa tử cung.
- ÂM LẠC THƯƠNG TẮC HUYẾT NỘI DẬT 阴络伤则血内溢
Âm lạc ở hạ bộ thuộc lý. Các bệnh do âm lạc bị tổn thương gây ra hiện tượng đại tiện ra máu.
- ÂM LÃNH 阴冷
Âm hộ của người phụ nữ có cảm giác lạnh giá, phần lớn do Thận dương hư suy, hàn khí ngưng kết gây ra. Cũng có thể do Can kinh có thấp nhiệt phát bệnh.
- ÂM MẠCH 阴脉
Còn gọi là Âm kinh.
- ÂM MẠCH CHI HẢI 阴脉之海
Nơi hội tụ của các mạch âm. Tên gọi khác của mạch Nhâm, vì nơi đây có ba kinh âm ở chân và Âm duy mạch, Xung mạch đều có phân nhánh trực tiếp hội hợp với mạch Nhâm, có tác dụng điều tiết âm khí toàn thân, cho nên gọi là bể của âm mạch.
- ÂM MẠCH TIỂU NHƯỢC 阴脉小弱
Chỉ tình trạng mạch bộ xích đi nhỏ yếu, vô lực.
- ÂM MÔN 阴门
Khu vực cửa âm đạo nối liền với niệu đạo.
- ÂM NHÀN 阴癇
Còn gọi là Âm giản. Tên gọi chứng bệnh mạn kinh phong của nhi khoa. Bệnh thường thiên về hư hàn. Khi thể chất suy nhược là chứng Giản phát ra nhiều lần, chính khí suy dần, đờm kết không hóa được, khi lên cơn, có triệu chứng sắc mặt trắng bệch, ngơ ngẩn đần độn; không nói năng, không cử động, mình lạnh, mạch trầm huyền.
- ÂM NHIỆT 阴热
Chứng phát sốt. Thường chỉ âm hư phát sốt, hoặc mắc các bệnh nhiệt cấp giai đoạn cuối. Do âm dịch tiêu hao nhiều phát sinh.
- ÂM NOÃN 阴卵
Chỉ Cao hoàn, dịch hoàn.
- ÂM NUY 阴痿
Tức dương nuy.
- ÂM PHI 瘖痱
Tình trạng tắt tiếng hoặc tiếng nói ú ớ, kèm theo tay chân bải hoải không muốn vận động. Phần nhiều do Thận tinh hư tổn, hoặc do phong đàm bế tắc ở kinh mạch.
- ÂM SÁN 阴疝
Do hàn tà xâm nhập vào Can kinh làm cho dịch hoàn (hòn dái) đau thắt, sưng trướng.
- ÂM SẮT SANG 阴虱疮
Bệnh ngoài da. Do một loại ký sinh trùng (chấy rận) gây ra, chúng sống ký sinh ở chòm lông âm hộ, lúc mới phát thì nổi mẩn đỏ, hoặc đỏ nhạt, gây ngứa, gãi trầy da làm thành ghẻ.
- ÂM SINH VU DƯƠNG 阴生于阳
Âm có nguồn gốc ở tại dương. Tất cả vật chất, hình hài trong cơ thể đều phải thông qua công năng hoạt động của cơ thể sản sinh.
- ÂM TÀ 阴邪
➊ Chỉ hàn tà và thấp tà, là 2 nhân tố gây nên bệnh. Thường làm ảnh hưởng đến công năng khí hóa của cơ thể. ➋ Chỉ nhân tố xâm phạm âm kinh phát sinh bệnh.
- ÂM TẠNG 阴脏
➊ Chỉ 3 tạng Phế, Tỳ, Thận. ➋ Cũng chỉ thể chất âm thịnh của người bệnh.
- ÂM TÁO 阴躁
Tình trạng âm hàn cực thịnh sinh ra các chứng bứt rứt không yên, kèm có tay chân lạnh quíu, đổ mồ hôi lạnh, mạch vi muốn tuyệt. Chứng này phần nhiều do âm thịnh cách dương gây ra, thường là các chứng bệnh nguy hiểm.
- ÂM THẮNG TẮC DƯƠNG BỆNH 阴胜则阳病
Tình trạng âm hàn thịnh làm cho dương khí suy giảm. Thể hiện bằng các triệu chứng sợ lạnh, tay chân không ấm, lưỡi nhạt, mạch trì.
- ÂM THẮNG TẮC HÀN 阴胜则寒
Còn gọi là âm thịnh tắc hàn. Nói rõ mối quan hệ của âm dương bị rối loạn phát sinh bệnh.
Khi âm khí càng thịnh thì dương khí càng suy. Các triệu chứng xuất hiện thuộc hàn chứng như phù thũng, đàm ẩm…
- ÂM THÍCH 阴刺
Một trong những phép châm thích xưa. Khi điều trị chứng hàn quyết ở chi dưới, có thể dùng phép châm vào hai huyệt Thái khê thuộc kinh túc Thiếu âm Thận ở chân.
- ÂM THỊNH 阴盛
Tức âm hàn quá thịnh. Nói chung chỉ cơ năng biểu hiện suy thoái. Thường xuất hiện cùng với chứng dương suy.
- ÂM THỊNH CÁCH DƯƠNG 阴盛格阳
Bệnh lý. Do mối quan hệ của âm dương rối loạn. Trong cơ thể âm hàn quá thịnh khiến dương khí bị ngăn cách ở bên ngoài. Biểu hiện chứng hậu bên trong thì lạnh (chân hàn), bên ngoài phát sốt (giả nhiệt), gọi tắt là cách dương. Trên lâm sàng thường gặp các chứng ngoài da thì thấy sốt, nhưng lại muốn mặc áo trùm mền. Miệng tuy khát nước nhưng uống không nhiều hoặc thích uống ấm. Mạch tuy đại nhưng ấn mạnh thì vô lực.
- ÂM THỊNH DƯƠNG HƯ 阴盛阳虚
Do âm hàn ở bên trong làm cho dương khí hư suy. Thường thấy các triệu chứng sợ lạnh, người và tay chân lạnh, đại tiện phân lỏng nhão, phù thũng, chất lưỡi nhợt nhạt.
- ÂM THỊNH TẮC HÀN 阴盛则寒
Do dương khí suy, không đủ sức làm ấm cơ thể, nên âm hàn thiên thịnh. Phát sinh ra các chứng hàn. Biểu hiện là chức năng của tạng phủ suy giảm, xuất hiện phù thũng, đàm ẩm.
- ÂM THOÁT 阴脱
➊ Tức Âm đỉnh, Âm già. ➋ Hiện tượng âm hộ của phụ nữ mở không đóng. Sưng đau hoặc tiểu ra rỉ rả. Nguyên nhân phần nhiều do khi sanh tổn thương bào lạc, hoặc do phòng sự quá độ gây ra.
- ÂM THÚC 阴缩
Hiện tượng hòn dái co rút. Do hàn tà nhập kinh Quyết âm hoặc nhiệt tà ở kinh Dương minh hãm vào trong kinh Quyết âm gây ra.
- ÂM THŨNG 阴肿
Tình trạng bộ phận sinh dục của phụ nữ sưng đau. Nguyên nhân do âm hộ bị rách, lại cảm nhiễm độc khí hoặc do thấp nhiệt dồn xuống 2 kinh Can Tỳ gây ra.
- ÂM THỦY 阴水
Chứng phù thũng do Tỳ Thận dương hư, không thể vận hóa thủy thấp gây nên. Các triệu chứng hư hàn như mặt phù, chân sưng, ấn vào có vết lõm, lồng ngực bứt rứt, ăn uống kém, tay chân lạnh, tinh thần mệt mỏi, tiêu lỏng tiểu ít, lưng mỏi, người nặng nề, lưỡi bệu, rêu trắng, mạch trầm trì nhược.
- ÂM THỬ 阴署
Chứng thương thử. Do trời nóng nực khiến cho người ta phải dùng quạt để tìm mát. Hàn tà nhân đó xâm nhập vào cơ biểu, hoặc uống quá nhiều nước lạnh làm tổn thương tạng phủ gây nên. Có các triệu chứng như: Phát sốt, đau đầu, không mồ hôi, sợ lạnh, tay chân đau mỏi, hoặc nôn ọe, tiêu chảy, đau bụng.
- ÂM THỰC 阴蚀
Bộ phận sinh dục lở loét. Nguyên nhân do tình chí uất kết hóa hỏa, làm tổn thương Can Tỳ, thấp nhiệt dồn xuống vùng hạ bộ gây ra, triệu chứng: bộ phận sinh dục lở loét, hoặc ngứa hoặc đau, sưng trướng, phần nhiều kèm có xích bạch đới hạ, tiểu tiện nhỏ giọt…
- ÂM TIỂN 阴癣
Hiện tượng nấm ở mé trong đùi hoặc kéo dài lan lên tới bộ phận sinh dục ngoài. Hoặc ở vùng Thận lan xuống tới hậu môn. Nguyên nhân phần lớn do phong nhiệt thấp tà làm tổn thương cơ biểu gây ra. Lúc mới phát thấy nổi mẩn hoặc những mụn nước nhỏ, dần dần lan rộng ra thành những đốm đỏ, mép rõ ràng, bên trên có vẩy mỏng, ngứa gãi không ngừng.
- ÂM TỔN CẬP DƯƠNG 阴損及阳
Tình trạng âm tinh hao tổn làm cho dương khí bất túc. Như xuất huyết kéo dài thì sẽ làm cho công năng sinh lý của cơ thể suy thoái.
- ÂM TRĨ 阴痔
Còn gọi là Sa tử cung.
- ÂM TRUNG CHI ÂM 阴中之阴
Bất cứ sự vật nào cũng đều có phân ra hai mặt Âm Dương. Sự vật thuộc âm lại còn phân ra Âm trong âm và Dương trong âm. Thí dụ: Bụng thuộc âm. Trong bụng lại có phân ra bụng trên thuộc dương, bụng dưới thuộc âm. Cho nên có thể nói vùng bụng dưới là Âm trong âm.
- ÂM TRUNG CHI DƯƠNG 阴中之阳
Bất cứ sự vật nào cũng phân ra làm hai mặt Âm Dương. Sự vật thuộc âm lại phân ra làm 2 mặt là Âm trong âm và Dương trong âm. Ví dụ Bụng thuộc âm. Trong bụng lại có phân ra bụng trên thuộc dương, bụng dưới thuộc âm. Cho nên có thể nói vùng bụng trên là Dương trong âm.
- ÂM TÚNG 阴纵
Tức âm hành giãn xuống (Dái thòng), hoặc các chứng sưng trướng mềm. Chứng này phần nhiều do Can kinh có thấp nhiệt sinh ra.
- ÂM TUYỆT 阴绝
Mạch đập ở bộ xích, còn bộ thốn, quan không thấy đập. Biểu hiện là âm khí thiên tuyệt.
- ÂM TÝ 阴痹
Chứng tý do âm tà gây nên, hoặc phát ở phần âm. Như Hàn và Thấp tà đều có thể gây nên các chứng tý. Hoặc ngũ tạng tý.
- ẤM 喑
Có nghĩa là mất tiếng, khan tiếng. Còn gọi là Âm.
- ẨM 饮
1. Loại nước thuốc sắc cần uống nguội, gọi là ẩm. Thí dụ: Tang cúc ẩm.
2.Chỉ ẩm chứng như: Đàm ẩm, Dật ẩm.
3. Tức thuốc sắc lấy nước, ẩm liệu.
- ẨM CHỨNG 饮证
Tình trạng lượng nước đọng trong cơ thể hoặc dồn xuống một số bộ vị gây nên bệnh. Chứng này thuộc loại đàm ẩm.
- ẨM GIA 饮家
Chỉ người mắc chứng bệnh đàm ẩm.
- ẨM GIẢN 饮痫
Chứng co giật do ham thích ăn các thức ăn lạ phát ra. Bệnh thường phát ở trẻ em. Nguyên nhân phần nhiều là do đàm nhiệt hoặc do thực tích.
- ẨM PHIẾN 饮片
Thuốc sau khi đã qua gia công chế biến bào thành phiến, thái thành sợi, cắt thành khối, chặt thành khúc, để tiện cho việc nấu nướng.
- ẨM TÂM THỐNG 饮心痛
Tức chứng Vị quản thống. Nguyên nhân do thủy ẩm đình tích. Triệu chứng: đau dạ dày, nôn khan, hoặc nôn ra nhớt dãi, hoặc nôn ra nước, lợm giọng muốn nôn, mạch huyền hoạt…
- ẨM THỰC TRÚNG ĐỘC 饮食中毒
Ăn trúng các thức ăn có độc như nấm độc, cá độc sinh ra ngộ độc. Các triệu chứng biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, phát sốt. Nặng thì hôn mê, hư thoát hoặc dẫn đến tử vong.
- ẨM TỬ 饮子
Cách thức uống thuốc, thường là uống nguội, không quy định thời gian.
- ẨM TỬU TRÚNG ĐỘC 饮酒中毒
Ngộ độc rượu, do uống rượu quá nhiều, chất độc của rượu tích lại trong Tỳ Vị, tràn ra kinh lạc gây nên bệnh.
- ẤN ĐƯỜNG 印堂
Tên huyệt. Huyệt nằm giữa 2 đầu lông mày. Quan sát vùng này có thể phát hiện được các tật bệnh của tạng Phế.
- ẤN SANG 印疮
Tức Tịch sang.
- ẨN CHẨN 瘾疹
Tức Ẩn chẩn.
- ẨN CHẨN 隐疹
Chứng Tầm ma chẩn (Mề đay). Do thấp nhiệt uất bên trong lại cảm nhiễm phong hàn, uất lại ở bì phu, hoặc do tiếp xúc với các chất gây dị ứng, hay ăn các thức ăn không phù hợp với cơ địa phát bệnh. Chứng thấy những nốt nhỏ lờ mờ màu đỏ xuất hiện dưới lớp da. Nặng thì mọc thành dề, thành khối, gây ngứa, lúc ẩn lúc hiện.
- ẤT QUÝ ĐỒNG NGUYÊN 乙葵同源
Tức Can Thận đồng nguyên.
- ẤU KHOA 幼科
Khoa chữa bệnh của trẻ em. Hiện nay gọi là Nhi khoa.
- ẨU ĐỞM 呕胆
Còn gọi là Ẩu thổ khổ thủy. Tức là nôn ói ra nước mật.
- ẨU GIA 呕家
Chỉ người bị chứng lợm giọng, nôn ói.
- ẨU HUYẾT 呕血
Nôn ra máu, nguyên nhân do tức giận quá độ làm tổn thương Can, hoặc do ăn uống, nhọc mệt quá độ làm tổn thương Tỳ, hoặc do uống quá nhiều rượu làm tích nhiệt gây động huyết gây ra bệnh.
- ẨU NHŨ 呕乳
Hiện tượng ọc sữa của trẻ sơ sinh.
- ẨU THỔ 呕吐
Nôn ói. Nguyên nhân do chức năng của Vị bị rối loạn, Vị khí bốc lên gây nên bệnh.
- ẨU THỔ KHỔ THỦY 呕吐苦水
Tức là ói ra nước đắng (nước mật). Nguyên nhân do Đởm kinh có bệnh gây ra.