MỘT SỐ BÀI THUỐC NAM CHỮA TĂNG HUYẾT ÁP
Lương y Nguyễn Công Đức
Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM
Bài 1:
Hạ khô thảo (Prunella vulgaris L.) 30g
Cúc hoa (Chrysanthemum indicum L.) 15g
Khổ đinh trà (chè đắng) (Ilex kaushue S.Y.Hu.) 10g
Hạ khô thảo
Cúc hoa
Khổ đinh trà
Công dụng:
Thanh can nhiệt, hạ huyết áp.
Chủ trị:
Chữa tăng huyết áp thể can dương thượng kháng có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mặt mắt đỏ, người phiền táo dễ nổi giận. Miệng đắng khô, cầu bón tiểu đỏ, mạch huyền hoặc huyền sác.
Cách dùng:
Mỗi ngày 1 thang, đổ 4 chén nước sắc còn 2 chén, chia làm 2 lần uống sáng chiều.
Cấm kỵ:
Người tăng huyết áp do hư nhiệt và vị hàn (lạnh bụng, tiêu lỏng…) thì không dùng bài này.
Giải thích:
Trong tăng huyết áp thể Can dương thượng kháng do Can Thận âm hư. Nguyên tắc điều trị là bình Can tiềm dương. Trong bài Hạ khô thảo là vị thuốc khổ hàn, quy kinh can, đởm, có tác dụng thanh can minh mục, tả hỏa. Nghiên cứu của dược lý hiện đại nêu rõ Hạ khô thảo có tác dụng hạ áp rõ rệt, đặc biệt là tăng huyết áp thể Can Thận âm hư thì tác dụng lại càng rõ hơn; Cúc hoa, Khổ đinh trà đều thanh nhiệt giải độc, thanh can minh mục, phối với Hạ khô thảo thì tác dụng bình can tiềm dương càng thể hiện rõ hơn.
Bài 2:
Cúc hoa (Chrysanthemum indicum L.) 20g
Hạ khô thảo (Prunella vulgaris L.) 20g
Thảo quyết minh (Cassia tora L.) 20g
Công dụng:
Thanh can giáng áp thông tiện.
Chủ trị:
Chữa tăng huyết áp thể Can Thận âm hư có triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, miệng khô, đắng, đại tiện khô kết , tiểu vàng, đổ mồ hôi trộm, đau lưng mỏi gối, lưỡi khô rêu vàng, mạch tế sác.
Cách dùng:
Cho vào 3 chén nước sắc còn 1 chén, uống ấm. Ngày 2 thang, sáng, chiều.
Cấm kỵ:
Tỳ hư tiêu lỏng thì không chọn dùng bài này.
Giải thích:
Bài này dùng chữa tăng huyết áp nguyên phát hiệu quả rất tốt. Trong bài Hạ khô thảo, Thảo quyết minh có tác dụng hạ áp. Đối với chứng tăng huyết áp kèm có rối loạn mỡ máu lại càng thích hợp; Cúc hoa có tác dụng thanh can minh mục hạ áp. Duy chỉ có Hạ khô thảo, dùng lượng cao hoặc uống lâu sẽ gây kích ứng dạ dày. Theo báo cáo khác cho thấy Hạ khô thảo khi dùng độc vị với liều cao có thể gây dị ứng, biểu hiện toàn thân nổi mẫn ngứa hoặc có lợm giọng buồn nôn, nôn, chóng mặt, tim đập nhanh, đau bụng, khi sử dụng cần phải chú ý.
Bài 3:
Hy thiêm thảo (Siegesbeckia orientalis L.) 30g
Địa cốt bì (Lycium sinense Mill.) 10g.
Hy thiêm thảo
Địa cốt bì
Công dụng:
Thanh can hạ áp.
Chủ trị:
Chữa tăng huyết áp thể can dương thượng kháng với các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, phiền táo, mặt đỏ tai ù, miệng đắng, lưỡi đỏ, mạch huyền sác.
Cách dùng:
Cho vào 3 chén nước sắc còn 1 chén, uống ấm. Ngày 2 thang, sáng, chiều.
Cấm kỵ:
Người tăng huyết áp thể dương hư có triệu chứng tay chân lạnh, sợ gió sợ lạnh, tiêu lỏng, không nên chọn dùng bài này.
Giải thích:
Hy thiêm thảo vị cay đắng mà hàn, quy kinh can thận, có tác dụng khu phong thấp, hạ huyết áp. Nghiên cứu của dược lý hiện đại nêu rõ nước sắc của cây này có tác dụng hạ áp rất tốt; Địa cốt bì vị ngọt nhạt mà hàn “Dược phẩm hóa nghĩa” có ghi công dụng của Hy thiêm thảo như sau: “ chữa mồ hôi trộm, nóng trong xương, đau đỉnh đầu”. Nghiên cứu của dược lý hiện đại, Địa cốt bì có tác dụng hạ áp giúp duy trì và ổn định huyết áp. Cả 2 cùng dùng chung với nhau thì có công dụng thanh nhiệt bình can, tiềm dương hạ áp.
Bài 4:
Cúc hoa (Chrysanthemum indicum L.) 20g
Bạch thược (Paeonia lactiflora Pall.) 20g
Mẫu đơn bì (Paeonia moutan Sims.) 15g
Câu đằng (Uncaria rhynchophylla (Miq) Jacks.) 25g (cho vào sắc sau)
Công dụng:
Thanh can tả hỏa giáng áp.
Chủ trị:
Chữa tăng huyết áp thể Can hoả vượng với triệu chứng đầu đau, trướng, chóng mặt hoa mắt, tâm phiền miệng đắng, ngực sườn đầy tức, hay chiêm bao, dễ kinh sợ, tiểu vàng đỏ, cầu bón kết, lưỡi đỏ rêu vàng mỏng, mạch huyền sác.
Cách dùng:
Cho vào 3 chén nước sắc còn 1 chén, uống ấm. Ngày 2 thang, sáng, chiều.
Cấm kỵ:
Người tăng huyết áp cơ thể hư nhược không có chứng can nhiệt (mặt hồng, mắt đỏ, miệng khô khát, táo bón, tiểu vàng…) thì không dùng bài này.
Giải thích:
Tăng huyết áp thể Can hoả vượng thuộc thực chứng cho nên chữa nên sơ can, thanh can, hạ áp. Trong bài Bạch thược sơ can giải uất; Đơn bì thanh can tả hỏa; Cúc hoa, Câu đằng bình can thanh nhiệt hạ áp. Các vị dùng chung với nhau, cùng có công dụng thanh can hạ áp. Nếu hay chiêm bao kinh sợ gia Dạ giao đằng 15g, Toan táo nhân 15g; tay chân phát trướng gia Trạch tả; Tiện bí gia Đại hoàng 10g; Mặt mắt đỏ gia Long đởm thảo 12g. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy Câu đằng có tác dụng hạ áp rất tốt, nhưng không nên sắc lâu sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc cho nên Câu đằng khi dùng chữa hạ huyết áp nên cho vào sắc sau.
Bài 5:
Câu đằng (Uncaria rhynchophylla (Miq) Jacks.) 25g
Cúc hoa (Chrysanthemum indicum L.) 20g
Câu đằng
Công dụng:
Thanh can hạ áp.
Chủ trị:
Tăng huyết áp có triệu chứng đau đầu, hoa mắt, miệng khô tâm phiền, lưỡi đỏ, mạch huyền sác.
Cách dùng:
Mỗi ngày 1 thang đổ 3 chén nước ngâm trong 20 phút dùng lửa nhỏ sắc sôi khoảng 5 phút là được. Uống thay nước trà.
* Lưu ý: Các vị thuốc kể trên hiện nay đã được di thực và trồng tại Viện Nam. Có thể mua tại các cửa hàng dược liệu.