SINH LÝ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DA

SINH LÝ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DA

SINH LÝ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DA

SINH LÝ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DA

SINH LÝ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DA
SINH LÝ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DA
Chi tiết bài viết

SINH LÝ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DA

 

 

Lương y NGUYỄN CÔNG ĐỨC

Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM

 

 

 

CHỨC NĂNG BẢO VỆ

Về phương diện cơ học: Da có khả năng chống đỡ các chấn thương, xây xát nhờ có lớp sừng dẻo dai và một số vùng có lông tóc. Lớp gai với những tế bào gắn chặt bằng những cầu nối, lớp trung bì có các sợi chùn giãn, lớp hạ bì có các ô mỡ và tổ chức liên kết đều góp phần làm cho da trở thành một lớp bảo vệ cơ học đáng kể. Ở những vùng luôn bị chấn thương, chà xát trong sinh hoạt và trong lao động (bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, đầu gối…), lớp sừng bao giờ cũng dầy hơn các chỗ khác.

Về phương diện lý học: Hệ số dẫn điện, dẫn nhiệt của lớp sừng tương đối thấp. Điều rất quan trọng là da giúp cho cơ thể tránh được tác hại của bức xạ mặt trời nhờ sắc tố melanin phân bố đều ở thượng bì. Dưới kính hiển vi điện tử đã thấy rõ phía trên các nhân tế bào gai có một lớp melanin như cái ô bảo vệ. Sẫm màu là phản ứng tự vệ đầu tiên của da đối với tia cực tím của mặt trời.

Về mặt hóa học: Lớp sừng cùng với phim bã (do chất mỡ của tuyến bã tiết ra dàn đều lên da), có khả năng bảo vệ da tránh khỏi tác hại của độ kiềm, toan nhất định. Các chất độc hại muốn ngấm qua da phải vượt được hàng rào sinh học khá ổn định của lớp thượng bì (thể hiện ở độ pH, khả năng trung hòa và kháng kiềm, toan của da).

Da có khả năng chống lại vi khuẩn, nấm, virus (người ta gọi là khả năng triệt khuẩn tự nhiên của da), nhờ có tác động phối hợp của nhiều yếu tố như: tác dụng cơ học của lớp sừng, khả năng triệt khuẩn của lớp phim bã, tác dụng kháng sinh của một số acid béo và một số men ở da… Ngoài ra da cũng tự làm sạch bằng thường xuyên bóc lớp sừng, bài tiết mồ hôi và chất bã, cuốn theo vô số nguồn ô nhiễm.

CHỨC NĂNG ĐIỀU NHIỆT

Nhờ hệ số dẫn nhiệt của lớp sừng và của tổ chức mỡ dưới da tương đối thấp, nên về mùa lạnh da thường giữ không cho tỏa nhiệt nhiều cũng như cản bớt lạnh từ ngoài tác động vào cơ thể; về mùa nóng, nóng bên ngoài cũng bị da hạn chế ảnh hưởng đến cơ thể. Nhưng da còn có vai trò chủ động trong điều hòa nhiệt độ do một loạt phản xạ đi từ cơ quan thụ cảm nhiệt ở trung bì đến trung tâm điều hòa thân nhiệt ở dưới đồi thị. Da tham gia giữ thân nhiệt trung bình ở 36,5 – 37oC nhờ hai cơ chế chính: ra mồ hôi và phản ứng vận mạch.

Khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao, cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch làm máu dồn ra ngoại vi, tăng tỏa nhiệt, đồng thời tăng tiết mồ hôi làm tăng bốc hơi và giảm nhiệt. Ngược lại khi nhiệt độ bên ngoài hạ thấp, cơ thể phản ứng bằng cách co mạch máu dưới da, dồn máu vào bên trong, hạn chế tỏa nhiệt, đồng thời giảm tiết mồ hôi để giữ nhiệt.

 

CHỨC NĂNG BÀI TIẾT VÀ ĐÀO THẢI

Trên da có chừng 2-5 triệu tuyến mồ hôi. Cùng với thận, da tham gia bài tiết nước dưới dạng mồ hôi. Qua mồ hôi một số chất độc trong đó có urê được thải bỏ. Qua các tuyến bã có nhiều ở da đầu, mặt, lưng, ngực, một số chất độc cũng được đào thải ra ngoài, đồng thời chất bã nhờn hình thành phim bã có vai trò quan trọng trong chức năng bảo vệ đã nói ở trên. Mặt khác, da còn tham gia đào thải khí cacbonic cùng với phổi. Có thể nói, da là cơ quan hỗ trợ của thận và phổi, trong nhiệm vụ đào thải chất độc.

CHỨC NĂNG DỰ TRỮ VÀ CHUYỂN HÓA

Da là kho dự trữ nước, mỡ, đường, muối, máu, một số vitamin… Khi cơ thể thiếu thứ gì thì da kịp thời cung cấp, ngược lại khi cơ thể thừa thứ gì lại nhờ da dự trữ. Do đó da giúp cho “cân bằng thu chi” trong cơ thể. Thí dụ khi ta được nuôi dưỡng tốt, lớp mỡ dưới da được phát triển, da sẽ trở thành đầy đặn, mịn màng. Ngược lại, khi đi lỏng mất nước hoặc nuôi dưỡng kém da sẽ trở thành nhăn nheo.

Dưới tác dụng của tia cực tím, vitamin D được chuyển hóa dưới da, giúp cho sự tăng trưởng của cơ thể. Da còn là nơi tạo ra chất sừng và sắc tố là hai yếu tố cơ bản quyết định chất lượng của thượng bì.

CHỨC NĂNG CẢM GIÁC

Các tận cùng thần kinh thụ cảm (các tiểu thể thần kinh) được phân bố dày đặc trong các lớp da, làm cho bất cứ vùng nào trên da cũng có thể phân biệt được các cảm giác: đau, nóng, lạnh, sờ mó, tỳ ép. Trên 1 cm2 da có khoảng 1-2 điểm tiếp thu nóng, 25 điểm tiếp thu tỳ ép, 100-200 điểm tiếp thu cảm giác đau.

Nhờ có chức năng cảm giác của da mà cơ thể thích ứng được với ngoại cảnh, đáp ứng kịp thời với các yếu tố có hại từ ngoại giới. Bệnh nhân phong, bàn tay mất cảm giác (tê dại) sẽ rất dễ bị phỏng. Người mù vẫn có thể đi lại được chính là nhờ có chức năng cảm giác của da.

Có thể nói cảm giác của da là điều kiện không thể thiếu được cho mọi sinh hoạt, lao động và nghệ thuật của con người.

Da trẻ em khác người lớn là có nhiều mạch máu, rất mịn màng mềm mại, chứa nhiều nước, lớp mỡ dưới da rất phát triển, sự thẩm thấu qua thành mạch và mô tăng (vì vậy ở trẻ em hay gặp các phản ứng dị ứng và thường biểu hiện rầm rộ), sự phân biệt giữa các tế bào và các sợi liên kết chưa rõ ràng, da trẻ em dễ bị mủn nát hơn là da người lớn.

 

 


 

 

Sản phẩm nổi bật


 
 
 

 

Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top